
KHI CÔNG NGHỆ VIẾT TIẾP CÂU CHUYỆN NGÂN HÀNG
Trong kỷ nguyên công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với các ngân hàng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Từ những giao dịch truyền thống, tập trung vào sức người và vận hành dựa trên những thủ tục giấy tờ, ngành ngân hàng đã chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự, thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động và tương tác với khách hàng.
Lấy việc hiểu nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng trong kỷ nguyên mới làm động lực, đưa công nghệ đóng vai trò chất xúc tác để hình thành các kênh giao tiếp số là cách mà các ngân hàng đang chuyển mình để bắt nhịp với thời cuộc.

Khách hàng ngày nay không chỉ muốn tiện lợi mà còn đòi hỏi sự thông minh và an toàn. Và việc ứng dụng AI không chỉ đáp ứng kỳ vọng của khách hàng mà còn là chìa khoá để tăng lợi thế cạnh tranh.
Ngân hàng là ngành có mức độ trưởng thành cao về công nghệ, hầu hết các vị trí đều có thể ứng dụng AI vào công việc hàng ngày. AI không chỉ tự động hóa tác vụ lặp lại mà còn phân tích dữ liệu, giúp ra quyết định nhanh chóng, tạo ra các sản phẩm dịch vụ vượt xa kỳ vọng, nâng cao hiệu suất làm việc vượt trội.
Không chỉ dừng lại ở việc xử lý dữ liệu, AI còn hỗ trợ trực tiếp nhân viên thông qua các công cụ như chatbot nội bộ, trợ lý ảo thông minh. Một trợ lý AI có thể cung cấp thông tin về chính sách, hướng dẫn quy trình hoặc hỗ trợ nhân viên tra cứu dữ liệu khách hàng một cách nhanh chóng. Điều này không chỉ giảm thời gian đào tạo mà còn đảm bảo tính nhất quán và tuân thủ trong việc áp dụng các quy trình nội bộ.

“Kỷ nguyên AI không chỉ là một cuộc cách mạng công nghệ mà còn là một cuộc cách mạng về tư duy. Với tâm thế chủ động trong kỷ nguyên mới, tại KienlongBank, ngân hàng AI không chỉ là khái niệm mà đã trở thành chiến lược và đã được ứng dụng vào thực tiễn vận hành. Ngân hàng đã xây dựng và tích hợp GenAI vào trải nghiệm khách hàng, sản phẩm, nghiệp vụ & quản trị: AI – Trợ lý ảo, AI – Thực hiện nghiệp vụ, AI – Điều phối quản lý,…” ông Trần Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT KienlongBank chia sẻ.
Khi các quy trình được tự động và tối ưu hóa sẽ góp phần tiết giảm đáng kể chi phí nhân sự, thời gian xử lý và các nguồn lực khác. Đây sẽ mở ra cơ hội để Ngân hàng tái định hình hoạt động nội bộ theo hướng linh hoạt và hiệu quả hơn, sắp xếp và nâng cao năng lực của đội ngũ hiện tại, ưu tiên nguồn lực trong việc nghiên cứu đa dạng các sản phẩm, dịch vụ mới cũng như hướng trọng tâm vào việc cải thiện quy trình chăm sóc khách hàng.

Trên thế giới, AI đã chứng minh sức mạnh của mình. Nhiều ngân hàng như JPMorgan Chase, DBS Bank dùng hệ thống AI để phân tích hợp đồng pháp lý, phát hiện gian lận… Tại KienlongBank, AI đang là “cỗ máy” siêu tốc, góp phần tự động hóa từ các quy trình nội bộ đến cung cấp dịch vụ khách hàng mỗi ngày, giúp Ngân hàng thích nghi nhanh với thị trường cạnh tranh khốc liệt, xây dựng cho mình một “đại dương xanh” đúng nghĩa.